KIẾN THỨC ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

A/ Kiến thức về chứng khoán

1. Định nghĩa chứng khoán và đầu tư chứng khoán

Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành, bao gồm các loại sau đây:

 - Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ

- Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán

- Hợp đồng góp vốn đầu tư

 - Các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định

Đầu tư chứng khoán là một trong những hình thức đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư vào các doanh nghiệp, tại đó chủ đầu tư bỏ vốn để mua các chứng khoán đang lưu hành trên thị trường chứng khoán để đạt được những lợi ích nhất định.

2. Các loại chứng khoán đang lưu hành trên TTCK Việt Nam

Hiện nay, TTCK Việt Nam đang tiến hành giao dịch đối với các loại chứng khoán như sau:

  • Sở GDCK TP.HCM tổ chức giao dịch đối với các loại chứng khoán:
    • Cổ phiếu;
    • Trái phiếu;
    • Chứng chỉ quỹ đầu tư: Chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán ( CCQ đóng, CCQ mở, CCQ ETF); chứng chỉ quỹ đầu tư bất động sản REIT;
    • Chứng quyền có bảo đảm (sau đây viết tắt là chứng quyền).
  • Sở GDCK Hà Nội tổ chức giao dịch đối với các loại chứng khoán
    • Cổ phiếu;
    • Chứng chỉ quỹ ETF;
    • Trái phiếu;
    • Hợp đồng tương lai chỉ số VN30.
  • Sàn UPCoM tổ chức giao dịch đối với các loại chứng khoán:
    • Cổ phiếu;
    • Trái phiếu;

Giới thiệu bộ chỉ số VN30

Ngày 06/02/2012, Sở GDCK thành phố Hồ Chí Minh lần đầu công bố bộ chỉ số VN30. Chỉ số VN30 gồm 30 cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE, có vốn hóa thị trường và tính thanh khoản cao nhất, chiếm khoảng 80% tổng giá trị vốn hóa và 60% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Đây là một chỉ số phản ánh chính xác hơn diễn biến của thị trường chứng khoán, đại diện cho nhóm các cổ phiếu chất lượng, do đó sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá chính xác hơn. Để được tham gia vào chỉ số VN30, các cổ phiếu phải thỏa mãn một số điều kiện và trải qua quá trình sàng lọc 3 bước. Thành phần của chỉ số VN30 sẽ được Hội đồng tư vấn chỉ số của HOSE xem xét lại 6 tháng/lần vào tháng 7 trong năm và tháng giêng năm kế tiếp.

Theo Quy tắc xây dựng và quản lý chỉ số VN30 ngày 05/01/2012, để đủ tư cách tham gia và tính toán chỉ số, cổ phiếu là cổ phiếu phổ thông đang niêm yết trên sàn HOSE và không thuộc một trong các điều kiện sau đây:

  • Cổ phiếu thuộc diện bị cảnh cáo, bị kiểm soát, bị tạm ngưng giao dịch trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm xem xét.
  • Cổ phiếu có thời gian niêm yết và giao dịch trên HOSE dưới 6 tháng; riêng đối với cổ phiếu mới niêm yết có giá trị vốn hóa hằng ngày bình quân trong kỳ xem xét lớn thuộc top 5 trong danh mục chỉ số thời gian niêm yết và giao dịch dưới 3 tháng.

Các cổ phiếu thỏa mãn các điều kiện tham gia tính toán chỉ số sẽ được áp dụng 3 bước sàng lọc sau đây để chọn cổ phiếu đủ tiêu chuẩn vào rổ chỉ số:

Bước 1: Sàng lọc theo giá trị vốn hóa

Tập hợp các cổ phiếu thỏa mãn điều kiện tham gia tính toán chỉ số VN30 được sắp xếp theo thứ tự giảm dần theo giá trị vốn hóa hàng ngày bình quân trong 6 tháng chưa điều chỉnh free-float (tự do chuyển nhượng). 50 cổ phiếu có giá trị vốn hóa cao nhất từ trên xuống sẽ được chọn.

Bước 2: Sàng lọc về free-float

Cổ phiếu có tỷ lệ free-float (tỷ lệ tự do chuyển nhượng) =< 5% sẽ bị loại

Bước 3: Sàng lọc về thanh khoản

Tập hợp các cổ phiếu còn lại sau bước 2 được xếp theo thứ tự giảm dần về giá trị giao dịch hằng ngày bình quân trong 6 tháng. Áp dụng quy tắc thêm vào và loại bỏ cổ phiếu trong rổ chỉ số nhằm đảm bảo chỉ số mang tính ổn định nhưng vẫn đại diện cho toàn thị trường:

- Cổ phiếu đứng ở vị trí thứ 20 trở lên đương nhiên có mặt trong chỉ số - Cổ phiếu đứng ở vị trí thứ 41 trở xuống đương nhiên bị loại khỏi chỉ số

- Cổ phiếu đứng vị trí 21 đến 40: ưu tiên cổ phiếu cũ (đã có trong chỉ số) sau đó mới xét đến cổ phiếu mới sao cho số lượng cổ phiếu trong rổ bằng 30 cổ phiếu. Trường hợp có nhiều hơn 1 cổ phiếu cũ có cùng vị trí, sẽ ưu tiên chọn cổ phiếu cũ có giá trị vốn hóa hàng ngày bình quân cao hơn của kỳ xem xét.

Sau quá trình sàng lọc trên, top 40 cổ phiếu có giá trị giao dịch cao nhất theo thứ tự xếp hạng từ trên xuống sẽ được chọn, trong đó gồm:

- Top 30 cổ phiếu sẽ được đưa vào danh mục chính thức của rổ chỉ số

- 10 cổ phiếu tiếp theo sẽ được đưa vào danh mục cổ phiếu dự phòng, được sử dụng trong trường hợp có một hay nhiều cấu phần bị loại bỏ khỏi rổ chỉ số vào giữa kỳ xem xét.

4. Các loại lệnh giao dịch đang sử dụng trên TTCK Việt Nam

- Lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO): Là lệnh mua/bán chứng khoán tại mức giá mở cửa; chỉ có hiệu lực đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa; được ưu tiên trước lệnh giới hạn. Và lệnh này sẽ tự động hủy bỏ sau thời điểm xác định giá mở cửa với lệnh không được thực hiện hoặc phần lệnh còn lại chưa được thực hiện.

- Lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC): Là lệnh mua/bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa; chỉ có hiệu lực đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa; được ưu tiên trước lệnh giới hạn. Và lệnh này sẽ tự động hủy bỏ sau thời điểm xác định giá đóng cửa với lệnh không được thực hiện hoặc phần lệnh còn lại chưa được thực hiện.

- Lệnh giới hạn (LO): Là lệnh mua/bán chứng khoán tại một mức giá xác định hoặc tốt hơn. Lệnh sẽ được khớp khi giá khớp nhỏ hơn hoặc bằng giá mua (đối với lệnh mua) hoặc giá khớp lớn hơn và bằng giá bán (đối với lệnh bán). Lệnh giới hạn (LO) có hiệu lực kể từ khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch cho đến lúc kết thúc ngày giao dịch hoặc cho đến khi lệnh bị hủy bỏ.

- Lệnh thị trường (MP) (áp dụng từ 02/07/2012): Là lệnh mua chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất/ hoặc lệnh bán chứng khoán tại mức giá mua cao nhất hiện có trên thị trường; có hiệu lực trong đợt khớp lệnh liên tục; bị hủy bỏ khi không có lệnh giới hạn đối ứng tại thời điểm nhập lệnh vào hệ thống giao dịch.

  • Nếu khối lượng đặt lệnh của lệnh MP vẫn chưa thực hiện hết thì lệnh MP sẽ được xem là lệnh mua tại mức giá bán cao hơn hoặc lệnh bán tại mức giá mua thấp hơn tiếp theo hiện có trên thị trường.
  • Nếu khối lượng đặt lệnh của lệnh MP vẫn còn và không thể tiếp tục khớp được nữa thì lệnh MP sẽ chuyển thành lệnh giới hạn mua tại mức giá cao hơn một bước giá so với giá giao dịch cuối cùng trước đó hoặc lệnh giới hạn bán tại mức giá thấp hơn một bước giá so với giá giao dịch cuối cùng trước đó.
  • Trường hợp giá thực hiện cuối cùng là giá trần đối với lệnh MP mua hoặc giá sàn đối với lệnh MP bán thì lệnh MP sẽ được chuyển thành lệnh giới hạn (LO) mua tại giá trần hoặc lệnh giới hạn (LO) bán tại giá sàn.

- Lệnh thị trường giới hạn (MTL): Là lệnh thị trường có thể thực hiện toàn bộ hoặc một phần, phần còn lại của lệnh sẽ chuyển thành lệnh LO.

- Lệnh thị trường khớp toàn bộ hoặc hủy (MOK):Là lệnh thị trường nếu không được thực hiện toàn bộ thì bị hủy trên hệ thống giao dịch sau khi nhập.

- Lệnh thị trường khớp và hủy (MAK): Là lệnh thị trường có thể thực hiện toàn bộ hoặc một phần, phần còn lại của lệnh sẽ bị hủy ngay sau khi khớp lệnh.